Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 được tổ chức từ ngày 15/11 – 15/12/2024 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”. Tích cực hưởng ứng Tháng hành động, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, trọng tâm là chiến dịch truyền thông cao điểm về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Nội dung, chủ đề, thông điệp, các hoạt động của Tháng hành động được tổ chức tuyên truyền, phổ biến qua nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Trong đó, nổi bật là các bản tin phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ; treo băng rôn, khẩu hiệu và sử dụng bảng chữ điện tử; lồng ghép trong các hội nghị như họp cơ quan, họp phòng chuyên môn, sinh hoạt các tổ chức đoàn thể; đưa nội dung tuyên truyền vào các chương trình giáo dục chuyên đề, giáo dục nhóm cho người cai nghiện, trẻ em và người có hoàn cảnh đặc biệt; đăng tải tài liệu trên trang thông tin điện tử của đơn vị, các trang mạng Internet nội bộ của các phòng chuyên môn, tổ chức đoàn thể; lồng ghép trong các hoạt động giao lưu VHVN, TDTT…cho học viên và trẻ em.
Truyền thông hai chiều cũng là một trong những hoạt động được quan tâm, chú trọng trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động. Trong đó, tiêu biểu là 02 chương trình tuyên truyền và nói chuyện chuyên đề cho học viên cai nghiện và trẻ em đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở do cán bộ tổ Giáo dục, cán bộ phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt duy trì tổ chức và thực hiện. Tại các chương trình, báo cáo viên đã nhấn mạnh vai trò của an sinh xã hội, sự tăng cường quyền năng và tạo điều kiện phát triển cho phụ nữ và trẻ em gái để từng bước thực hiện bình đẳng giới, đồng thời xóa bỏ những định kiến và hành vi bạo lực trên cơ sở giới. An sinh xã hội là nền tảng giúp ổn định cuộc sống, đặc biệt là cho những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, bạo lực và phân biệt giới vẫn còn là một vấn đề nhức nhối ở nhiều nơi làm giảm sút chất lượng cuộc sống và cơ hội phát triển của họ. Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có sự chung tay từ cộng đồng và xã hội nhằm thay đổi nhận thức và hành vi đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong đó, sự ủng hộ từ phía nam giới đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng; chấm dứt các hành vi bạo lực và xây dựng một môi trường bình đẳng, an toàn. Bên cạnh đó, phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái phải trang bị cho mình khả năng tự bảo vệ và lên tiếng khi gặp phải các hành vi bạo lực hoặc phân biệt đối xử. “Chúng ta cần biết tự khơi dậy những tiềm năng quý giá của bản thân; tự tin, mạnh mẽ tỏa sáng và đóng góp cho cộng đồng để tạo nên một tương lai tốt đẹp – một tương lai mà tất cả mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và đóng góp cho xã hội”- Đồng chí báo cáo viên chia sẻ.
Bên cạnh chiến dịch truyền thông, đơn vị thường xuyên tổ chức hoạt động tư vấn, giáo dục pháp luật; hỗ trợ, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng và can thiệp về tâm lý cho người cai nghiện; nhất là người cai nghiện nữ, trẻ vị thành niên có hoàn cảnh khó khăn, có biểu hiện bất thường trong nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Các hoạt động giáo dục giới tính, tâm lý lứa tuổi, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống xâm hại và bạo lực cho trẻ em cũng được duy trì thực hiện thường xuyên. Các hoạt động VHVN, TDTT như bóng chuyền, bóng đá, kéo co, cầu chinh, trò chơi dân gian, hát đơn ca…. được tăng cường, đẩy mạnh. Từ đó tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích; góp phần nâng cao sức khỏe thể chất, chăm lo đời sống tinh thần cho học viên và các cháu.
Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội hiện đang tổ chức điều trị cai nghiện cho 730 học viên, trong đó có 153 học viên nữ, 35 trẻ vị thành niên; đồng thời chăm sóc, nuôi dưỡng 46 trẻ em và người có hoàn cảnh đặc biệt với 18 cháu là nữ. Trong suốt những năm qua, Cơ sở luôn quan tâm, chú trọng và thực hiện tốt công tác thúc đẩy bình đẳng giới; tạo mọi điều kiện để bảo vệ, chăm sóc tốt nhất cho học viên nữ và trẻ em. Các chế độ, chính sách, chính sách hỗ trợ cho đối tượng luôn thực hiện kịp thời, đầy đủ. Đơn vị cũng thường xuyên quan tâm đến người cai nghiện nữ, trẻ em và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn qua các hoạt động như gặp gỡ, động viên, chia sẻ và tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS…. Các nguồn lực, tăng cường sự trợ giúp của các cá nhân, tổ chức cũng được tiếp tục huy động để hỗ trợ thêm về vật chất, tinh thần cho trẻ em; hướng đến mục tiêu giúp các cháu được hưởng sự chăm sóc toàn diện và hiệu quả nhất.
Phạm Thu Nhung