Tích cực xây dựng môi trường Xanh – Sạch – Đẹp” tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội!

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km về hướng Tây Bắc, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội tọa lạc dưới chân vùng núi non Ba Vì huyền thoại, nên thơ và xinh đẹp. Khác với không khí ồn ào và có phần ngột ngạt của cuộc sống chốn đô thị phồn hoa, không gian nơi đây thật thoáng mát, trong lành với hàng ngàn cây xanh bao phủ. Hai hàng cau vua bên con đường dẫn lối vào khu điều trị người cai nghiện khẽ đung đưa, phe phẩy những chiếc quạt khổng lồ làm dịu đi cơn nắng gay gắt của mùa Hè. Xa xa, từng vạt chè mênh mông ngát thơm mùi đồi núi, là nơi tạo nên những cốc nước chè xanh mát lành từ lâu đã gắn với thương hiệu “Số 2” quen thuộc. Vườn rau xanh non mượt mà, óng ả quanh năm cung cấp đủ rau sạch hàng ngày cho học viên.  Những rặng nhãn, sấu, xoài, mít … cành lá sum suê cứ đến mùa lại trĩu cành sai quả. Rồi cứ đến cuối Xuân, vườn bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Tân Lạc …lại đua nhau nở rộ những chùm hoa trắng tinh khôi, mùi hương bưởi dịu dàng thoang thoảng bay theo làn gió mới. Trong các khuôn viên nhỏ là những vườn hoa nhỏ xinh tươi rực rỡ sắc màu  … . Tất cả đã gợi lên một cảm giác bình yên, thân thiện và gần gũi với thiên nhiên.

Ảnh: Một góc khu chăm sóc trẻ em và khu tiếp nhận người cai nghiện khi đến mùa hoa khoe sắc.

Ai cũng muốn được sống trong một môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, tiện ích… Chính vì vậy, trong suốt những năm gần đây, “Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” đã trở thành một khẩu hiệu, một phương châm định hướng trong các hoạt động của Cơ sở.  Xác định đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách nên Cấp ủy, Ban Giám đốc đơn vị đều chú trọng đưa nội dung này vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và là một trong những hoạt động trọng tâm của các tổ chức đoàn thể…Hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác, ý thức trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân về việc gìn vệ sinh, cải tạo cảnh quan gần gũi với thiên nhiên được tăng cường thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như phát thanh, treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu, lồng ghép trong các hoạt động sinh hoạt tập thể. Hàng loạt các đợt phát động thi đua nhằm kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức, ý thức tự giác thực hiện các giải pháp và có các hành động thiết thực bảo vệ môi trường. Trong đó phải kể đến các phong trào “Chung tay cải tạo cảnh quan môi trường”,  “Chống rác thải nhựa”, “Tết trồng cây” hàng năm; phong trào trồng, chăm sóc hoa và cây xanh xung quanh nơi làm việc… đã thu hút được đông đảo cán bộ, học viên và trẻ em hào hứng tham gia.

Song song với hoạt động tuyên truyền, ban lãnh đạo Cơ sở thường xuyên tổ chức các đợt ra quân vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường trong và ngoài đơn vị. Các khu vực nhà ở, sinh hoạt, học tập luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ; liên tục được quét dọn, khơi thông cống rãnh, phun thuốc diệt côn trùng, rẫy cỏ, phát quang bụi rậm, thu gom và xử lý rác thải đúng quy định… Hệthống cơ sở hạn tầng, cơ sở vật chất  thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp và tạo nên một cơ ngơi ngày càng khang trang, sạch đẹp và có nhiều tiện ích.

Hình ảnh tham gia vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh của cán bộ, đoàn viên cơ sở

Bên cạnh đó, Cơ sở thường xuyên triển khai thực hiện những hoạt động bảo vệ môi trường có ý nghĩa thiết thực, có quy mô bền vững và lâu dài. Theo nghiên cứu của các chuyên gia môi trường, nước thải sinh hoạt chính là tác nhân đáng sợ nhất gây ô nhiễm nguồn nước và cũng là hiểm hoạ môi trường hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Việc thu gom và xử lý nước thải là yêu cầu không thể thiếu được của vấn đề vệ sinh môi trường.  Chính vì vậy Cơ sở luôn đặc biệt chú trọng đến vấn đề xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trong toàn đơn vị, đảm bảo an toàn vệ sinh trước khi xả thải ra kênh mương xung quanh. Từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống nước thải sinh hoạt theo đúng quy chuẩn. Tận dụng lợi thế về cơ sở vật chất có sẵn đó, trong suốt những năm gần đây, khi sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng có nguồn nước thải sinh hoạt như các khu làm việc, nhà ở cán bộ, nhà ở học viên, khu nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em, xưởng lao động trị liệu và học nghề… đều quy hoạch tập trung xử lý tại hệ thống xử lý nước thải này.

Ảnh: Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt

Cùng với hệ thống nước thải sinh hoạt thì chất thải của gia súc, gia cầm, vật nuôi, nước vệ sinh chuồng trại… từ khu chăn nuôi cũng đặt ra thách thức lớn cần phải xử lý. Từ năm 2018, Cơ sở tiến hành sửa chữa, nâng cấp toàn bộ khu chăn nuôi đảm bảo thoáng khí, sạch sẽ. Để xử lý chất thải chăn nuôi từ khu chuồng trại, Cơ sở đầu tư xây dựng hầm biogas thu gom tập trung toàn bộ chất thải hữu cơ chuyển thành khí gas sinh học. Hệ thống biogas giúp giảm mùi hôi, tiêu diệt mầm bệnh chăn nuôi trang trại, tạo nước thải sạch. Khí bioga còn góp phần tiết kiệm chi phí nhiên liệu khi tạo khí đốt phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi.

Túi ni lông và các sản phẩm bằng nhựa từ lâu đã trở thành một vấn nạn, một “gánh nặng” và nguy cơ dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng” cho môi trường. Do vậy, hằng năm, phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” luôn được duy trì và tạo được hiệu ứng rất tích cực trong toàn đơn vị. Trong đó, Cơ sở thực hiện phương án thay thế các sản phẩm nhựa, đặc biệt là đối với loại nhựa sử dụng một lần. Trong các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt tập thể, các loại nước uống đóng chai nhựa có thể tích 330 -500ml đã được thay thế bằng các bình to có dung tích lớn (20l). Các loại cốc nhựa sử dụng một lần và ống hút nhựa dùng để uống nước, sữa của trẻ được thay thế bằng cốc sứ và thìa Inox. Cốc nhựa uống nước của học viên là loại được tái sử dụng trong suốt thời gian học viên ở Cơ sở cho đến khi trở về cộng đồng. Bếp ăn cán bộ, học viên và trẻ em thực hiện thay thế toàn bộ đũa nhựa bằng đũa tre, đũa gỗ,  thìa nhựa và bát nhựa bằng thìa, bát  Inox.

Ảnh: Thay thế túi ni lông bằng túi gai dứa khi học viên đi mua hàng.

Phương án giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Nguyên liệu thực phẩm khi nhập vào các bếp ăn được chuyển luôn vào chậu, rổ và không sử dụng túi ni lông trong việc tiếp nhận thực phẩm. Tại các khu vực căng tin phục vụ hàng hóa cho người cai nghiện, túi ni lông đựng hàng hóa của học viên đã được thay thế hoàn toàn bằng túi gai dứa. Đặc điểm của loại túi gai dứa này là bền, sử dụng được nhiều lần trong thời gian dài và phân hủy được khi hư hỏng. Các túi  này sẽ yêu cầu học viên giữ gìn, bảo quản cẩn thận và sử dụng cho những lần đi mua hàng lần sau cho đến hết thời gian ở Cơ sở. Theo thống kê riêng tại bộ phận căng tin, việc sử dụng túi gai dứa đã giảm được khoảng hơn 1.000 túi ni lông cỡ lớn (Loại 10kg) thải ra môi trường mỗi tháng. Việc sử dụng túi gai dứa sẽ không chỉ giảm đáng kể lượng túi ni lông thải ra môi trường mà còn góp phần tiết kiệm về kinh tế cho học viên và cho Cơ sở.

Cùng với giảm thiểu rác thải nhựa,  đơn vị cũng đã thực hiện hiệu quả phương án phân loại, xử lý rác thải ngay tại nguồn (ở các vị trí tổ, đội, phòng ban…) và giao trực tiếp cho phòng Y Tế – PHSK thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề xuất các phương án cụ thể về hoạt động này. Rác thải được phân loại thành rác hữu cơ, rác tái chế và rác vô cơ không tái chế. Mỗi loại rác được quy định để vào một thùng chứa riêng. Đối với loại rác hữu cơ như lá cây, cỏ … sẽ phơi khô và đốt lấy tro. Phần loại bỏ của rau, củ, quả hay thức ăn thừa …  ngoài phần tận dụng cho chăn nuôi sẽ được ủ làm phân để cung cấp cho vườn rau sạch và cây xanh trong đơn vị. Đối với loại rác tái chế (là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như giấy, bìa các tông, kim loại, các loại nhựa ….) sẽ được thu gom để tái sử dụng hoặc gây quỹ phục vụ hoạt động tuyên truyền trong đơn vị. Những loại rác vô cơ không tái chế còn lại sẽ được chuyển đến nhà máy Xử lý chất thải Sơn Tây để xử lý. Các tổ, đội thường xuyên đôn đốc cán bộ, học viên dọn dẹp, vệ sinh hàng ngày, nhắc nhở để rác thải đúng vị trí và phân loại đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra trật tự nội vụ tại các xưởng lao động trị liệu, phòng làm việc, phòng trực cán bộ, phòng ở của học viên, khu chế biến thực phẩm.

Khu bếp ăn cán bộ, bếp ăn học viên và trẻ em,  nhất là khu chế biến thực phẩm thường xuyên được cải tạo, nâng cấp. Cán bộ y tế, Ban an toàn thực phẩm thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ  quy trình chế biến, bảo quản và tổ chức sử dụng các món ăn nhằm đảm bảo tuyệt đối vệ vệ sinh an toàn thực phẩm  Đối với nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt của cán bộ, học viên và trẻ em, trong nhiều năm qua, Cơ sở đã sử dụng hệ thống nước sạch từ Sơn Tây đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Cũng trong năm qua, đơn vị đã tổ chức nạo vét lại các giếng đào, khoan thêm giếng nước bổ sung nguồn nước trong lành, sạch sẽ trong sinh hoạt của mọi người. Từ năm 2011 đến nay, tổ chức Cơ sở đầu tư hệ thống máy lọc nước có dung tích lớn và lắp đặt máy lọc nước mini trực tiếp tại các bộ phận … nhằm đảm bảo công suất cung cấp đầy đủ nước uống,  chế biến thực phẩm trong toàn đơn vị.

       

Ảnh: Vườn rau, đồi chè xanh được chăm sóc thủ công, nói không với thuốc bảo vệ thực vật.

Năm nào cũng vậy, Cơ sở cũng trồng bổ sung, thay thế các loại cây xanh, cây ăn quả và các loại hoa.  Đến nay, khoảng 95% diện tích đất của đơn vị đã được phủ xanh bởi các loại cây ăn quả, cây lấy bóng mát, cây cảnh, đồi chè xanh biếc, các vườn hoa rực rỡ sắc màu… và vườn rau xanh tự cung tự cấp tươi tốt quanh năm. Đặc biệt, tất cả cây cối, rau quả đều được trực tiếp chăm sóc thủ công, không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc trừ sâu, hạn chế dùng phân bón hóa học mà chủ yếu dùng phân bón hữu cơ… Cách chăm sóc này không chỉ tạo ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe mà góp phần ngăn chặn ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước và không khí, đảm bảo không gian thoáng mát, trong lành.

Những nỗ lực trong bảo vệ môi trường của Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Không chỉ góp phần tạo nên một cảnh quan môi trường xanh -sạch – đẹp mà góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ chất lượng sức khỏe của cán bộ, học viên và trẻ em.

Những ngày mùa Hè ở Miền Bắc Việt Nam luôn gắn liền với cảm giác oi bức, ngột ngạt bởi nắng nóng gay gắt có thời điểm lên tới hơn 400 C. Nhưng khi bước chân vào Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, người ta sẽ cảm thấy thật thoải mái, dễ chịu vì được hít thở một bầu không khí trong lành, thoáng mát, hương thơm ngào ngạt của mùi hoa cỏ,  của hương vị thiên nhiên. Những khu nhà khang trang, sạch đẹp được quy hoạch gọn gàng, tu sửa nâng cấp thường xuyên nằm yên bình với hàng ngàn cây xanh bao phủ. Để có được một môi trường sinh thái xanh – sạch – đẹp trong toàn đơn vị, tất cả đều nhờ những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo đơn vị và sự đoàn kết, chung tay của cán bộ, học viên, trẻ em trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu nói chung, ở Việt Nam nói riêng.

Ảnh: Khi mùa hoa bưởi nở rộ và cùng tận hưởng bầu không khí trong lành.

                                                                          Bài và ảnh:  Phạm Thu Nhung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *