Công tác đào tạo nghề cho người cai nghiện là vấn đề hết sức quan trọng và nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo Cơ sở cũng như các cấp ngành và toàn xã hội. Hiểu được tầm quan trọng của việc đào tạo nghề cũng như được sự chỉ đạo của Sở Lao động Thương binh xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội hàng năm đều xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và phối hợp với các Cơ sở dạy nghề để đào tạo nghề cho người cai nghiện.
Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho người cai nghiện năm 2024, sáng ngày 20/9/2024, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội phối hợp với Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long Hà Nội và Trường Trung cấp nghề Nấu ăn- nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội tổ chức buổi Lễ khai giảng 02 lớp sơ cấp nghề May công nghiệp và 02 lớp nghề Hàn cho 110 học viên cai nghiện tại Cơ sở.
Tham dự lễ khai giảng có ông Lê Hồng Nhật- Đại diện Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long Hà Nội; đại diện Trường Trung cấp nghề nấu ăn- nghiệp vụ Du lịch và thời trang Hà Nội cùng các Giáo viên phụ trách dạy các nghề may công nghiệp, hàn điện. Về phía Cơ sở có đồng chí Nguyễn Trọng Đức – Phó bí thư Chi bộ- Phó giám đốc Cơ sở; lãnh đạo và cán bộ phòng Dạy nghề – Lao động trị liệu, lãnh đạo phòng Quản lý học viên cùng 110 học viên của bốn lớp học nghề Hàn điện và may công nghiệp năm 2024.
Tại buổi Khai giảng đồng chí Nguyễn Anh Khanh- Trưởng phòng Dạy nghề- Lao động trị liệu thông qua kế hoạch dạy nghề 2024, công bố quyết định mở lớp học nghề May công nghiệp, Hàn điện năm 2024 và phổ biến nội quy lớp học nghề để học viên nắm được.
Phát biểu tại lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Trọng Đức – Phó Bí thư Chi bộ, phó Giám đốc Cơ sở nêu rõ tầm quan trọng của việc dạy nghề và làm nghề đối với người cai nghiện tại Cơ sở. Thực tế cho thấy chỉ có khi có việc làm ổn định, có thu nhập để nuôi sống bản thân thì người cai nghiện mới có thể phòng, tránh tái nghiện được. Để người sau cai nghiện có thể tìm được việc làm thì dạy nghề là một bước đệm quan trọng có ý nghĩa quyết định. Chính vì vậy, hàng năm Cơ sở đều tổ chức mở các lớp dạy các nghề khác nhau theo nguyện vọng, trình độ của học viên và nhu cầu của xã hội để hỗ trợ học viên ổn định cuộc sống phòng, chống tái nghiện. Thực tế đã có nhiều học viên cai nghiện tại Cơ sở được học nghề khi tái hòa nhập cộng đồng đã có việc làm ổn định và từ bỏ được ma túy, làm lại cuộc đời. Cũng tại buổi Lễ khai giảng, đồng chí Phó Giám đốc đơn vị đề nghị các phòng ban chủ động phối hợp đôn đốc và tạo điều kiện cho người cai nghiện được tham gia học nghề; học viên 04 lớp học nghề nghiêm chỉnh học tập, chấp hành nội quy lớp học và yêu cầu của giáo viên, tích cực trong học tập kiến thức, trang bị cho bản thân mình kỹ năng nghề thành thạo nhất để khi hết thời hạn cai nghiện tại Cơ sở trở về cộng đồng sớm tìm được một công việc phù hợp với trình độ và khả năng của bản thân, có thu nhập ổn định cuộc sống phòng, chống tái nghiện ma tuý. Đồng chí cũng gửi lời cảm ơn Ban Giám hiệu nhà trường Trường Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Bắc Thăng Long Hà Nội, Trường Trung cấp nghề Nấu ăn- nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội đã tạo điều kiện tốt nhất, phối hợp với Cơ sở để tổ chức dạy nghề cho học viên, đồng chí mong muốn các thầy cô sẽ giúp đỡ, hướng dẫn về lý thuyết và thực hành để khi kết thúc khóa học người cai nghiện có nghề và có thể làm nghề. Đồng chí cũng chúc các lớp học nghề May công nghiệp và Hàn sẽ hoàn thành đúng tiến độ đào tạo theo kế hoạch và đảm bảo chất lượng, đạt kết quả cao nhất.
Phát biểu cảm tưởng tại lễ khai giảng, học viên Trương Văn Duy hiện đang sinh hoạt tại đội 1- đại diện học viên 4 lớp học nghề may gửi lời cảm ơn đến Ban giám đốc Cơ sở và Ban Giám hiệu trường Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp nghề nấu ăn- nghiệp vụ Du lịch và thời trang Hà Nội đã quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em được học nghề. Các em học viên cũng ý thức rõ được tầm quan trọng của học nghề và việc làm trong quá trình cai nghiện ma túy nên rất trân trọng sự quan tâm và cơ hội mà Ban giám đốc Cơ sở và trường Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long, đại diện Trường Trung cấp nghề nấu ăn- nghiệp vụ Du lịch và thời trang Hà Nội mang lại. Đại diện cho 110 học viên trong 4 lớp học nghề May và Hàn năm 2024, học viên Trương Văn Duy hứa sẽ cố gắng học tập nghiêm túc, chấp hành tốt nội quy lớp học và lĩnh hội những kiến thức cô, thầy giảng dạy để có thể làm nghề thành thạo và sống bằng nghề, trở thành một người có ích cho xã hội.
Đào tạo nghề là một việc làm có ý nghĩa nhân văn đối với người nghiện ma túy đang cai nghiện tại cơ sở nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để học viên khi về cộng đồng có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống và phòng chống tái nghiện. Bên cạnh đó, đây còn là phương pháp hiệu quả để giáo dục học viên ý thức lao động, trân trọng thành quả lao động do bản thân mình tạo ra.
Trần Thị Thúy Hằng